Bắc Ninh là vùng đất gắn liền với nhiều truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời của dân tộc. Với cả nghìn năm hình thành và phát triển tỉnh thành này trở thành nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật giá trị sắc nét. Trong đó nổi bật lên là chùa Bút Tháp, một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc mang đậm dấu ấn của phong kiến xưa cũ, trải qua hơn tám thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ, độc đáo về cảnh quan thu hút hàng trăm lượt du khách thăm quan du lịch tâm linh
Tìm hiểu về lịch sử chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp với lịch sử tồn tại hàng trăm năm và được coi là một trong những chứng nhân lịch sử cho những biến động thăng trầm đi qua bao thế hệ. Chưa có một tài liệu nào nói chính xác được thời gian chùa hình thành. Theo sách Địa chí Hà Bắc (1982) thì chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278). Thiền sư Huyền Quang là Trạng nguyên năm 1297 đã trụ trì ở đây. Ông cho dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen, tuy nhiên ngọn tháp này nay không còn nữa. Đến thế kỷ 17, ngôi chùa được trụ trì bởi Hòa thượng Chuyết Chuyết, người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, sang Việt Nam năm 1633, và từ đây ngôi chùa đã trở nên nổi tiếng hơn. Năm 1644, Hòa thượng viên tịch và được vua Lê phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”. Tiếp đó, người kế nghiệp trụ trì chùa Bút Tháp là Thiền sư Minh Hạnh, học trò xuất sắc của Hòa thượng Chuyết Chuyết. Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diệu Viên) đã rời bỏ cung thất, về đây tu hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ), xin phép Chúa Trịnh Tráng, rồi bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa.
Đây là công trình được đánh giá là có quy mô bề thế nhất so với những ngôi chùa khác cùng thời. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa đẹp hơn, bề thế hơn, nhưng vẫn mang lối kiến trúc sơ khai ban đầu.
Vị trí và hành trình đến với chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp ở đâu?
Chùa nằm bên dòng sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Bắc Ninh khoảng 9km. Đây là địa chỉ hành hương của phật tử bốn phương. Đặc biệt, ngôi chùa này còn là một địa điểm tâm linh đầy kì bí đối với du khách.
Hành trình đến với chùa Bút Tháp
Với khoảng cách khá gần từ Hà Nội tới Bắc Ninh, vì vậy rất nhiều phương tiện để du khách có thể lựa chọn, mà giá cả vẫn rất phải chăng. Điển hình trong đó:
-
Xe máy: Đường đến Bắc Ninh rất dễ đi, do vậy khách du lịch có thể thoải mái di chuyển bằng xe máy. Từ Tp.Hà Nội, du khách xuất phát từ Ngã tư Sở – đường Khuất Duy Tiến – bán đảo Linh Đàm, lên cầu vượt rồi đi thẳng đến quốc lộ 1B cho đến khi nhìn thấy biển báo TP.Bắc Ninh.
-
Xe bus hoặc xe khách: Du khách có thể bắt tuyến xe Hà Nội – Bắc Ninh tại các bến xe Hà Nội với giá từ 50.000 VNĐ – 70.000 VNĐ, có rất nhiều chuyến chạy trong ngày. Thời gian di chuyển tầm 40 phút – 1 tiếng.
Kiến trúc chùa Bút Tháp – nét đẹp đậm chất chùa Việt
Chùa Bút Tháp
Kiến trúc chùa Bút Tháp – ngôi chùa mang đậm dấu ấn của phong kiến xưa cũ
Kiến trúc là một trong những điểm nhấn ấn tượng làm nên vẻ đẹp và sự huyền bí của ngôi chùa này. Cũng như nhiều ngôi chùa cổ khác, chùa Bút Tháp được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, với các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm. Kết cấu chùa có 7 tòa nhà nối tiếp nhau: Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng Điện, Tích Thiện am, Nhà Trung, Phủ Thờ, Hậu Đường. Các công trình kiến trúc của chùa Bút Tháp đều được xây dựng hết sức khéo léo và tỉ mỉ; hầu hết đều được làm bằng đá, gỗ, gạch, tạo nên sự hài hòa với thiên nhiên xung quanh. Đặc biệt, các kiến trúc của chùa quay theo hướng Nam. Theo các ghi chép lịch sử, đây là hướng của trí tuệ theo triết lý nhà Phật.
Trong chùa có hệ thống tượng Phật phong phú như các vị Bồ Tát, Hộ Pháp, La Hán… Ngoài ra, còn có hơn 70 pho tượng gỗ với biểu cảm sinh động. Nổi bật nhất là các kiến trúc như: tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tháp Báo Nghiêm hay Cửu Phẩm Thiên Hoa. Nơi đây được đánh giá là khuôn mẫu Phật giáo ở Việt Nam.
Pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được đánh giá là một kiệt tác hàng đầu về nghệ thuật tạc tượng. Bên cạnh đó Cửu Phẩm Thiên Hoa được coi là một tác phẩm được chạm khắc tinh xảo nhất tại Việt Nam.
Nét đẹp cổ kính trong khuôn viên chùa Tháp Bút
Tháp Báo Nghiêm
Tháp Báo Nghiêm được coi là biểu tượng của chùa Bút Tháp, một công trình bằng đá hết sức ấn tượng. Đây là nơi thờ Thiền sư Chuyết Chuyết – người có công lớn xây dựng chùa. Tòa tháp trông như một cây bút gồm 5 tầng với chiều cao 13,05 mét, tầng đáy rộng với mái hiên nhô ra, bốn tầng trên gần giống nhau, năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29 mét. Tầng dưới cùng của tháp có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa. Có ghi chép nói rằng vào năm 1876, khi vua Tự Đức kinh lý qua chùa thấy ngọn tháp hình dáng khổng lồ liền gọi tên là Bút Tháp và ngôi chùa mang tên Bút Tháp từ đó.
Lễ hội chùa Bút Tháp
Lễ hội chùa được tổ chức vào ngày 23 – 24 tháng 3 âm lịch hàng năm với các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống. Lễ hội gồm 2 phần:
Phần Lễ, diễn ra chủ yếu trong khu nội tự với các nghi lễ truyền thống như: Lễ cúng Phật, Lễ dâng hương Lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, Lễ cúng Tổ…với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương
Sau phần Lễ đến phần Hội, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao: Cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật Chèo diễn ra trong 2 ngày. Hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao các tỉnh bạn.
Lễ dâng hương tại lễ hội chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp là một trong những di tích Phật giáo độc đáo mang đậm nét văn hóa của Đồng bằng Bắc Bộ. Nếu một lần được đến với Bắc Ninh, đừng quên ghé qua với Bút Tháp để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc cổ độc đáo xứ Kinh Bắc này nhé!
Xem các điểm du lịch đền chùa tại: https://tripmap.vn/category/den-chua